Cuộc xâm lược lần thứ nhất (1274) Mông Cổ xâm lược Nhật Bản

Cuộc xâm lược đảo Tsushima

Lực lượng xâm lược nhà Nguyên khởi hành từ Hàn Quốc vào ngày 2 tháng 11 năm 1274. Hai ngày sau, họ bắt đầu đổ bộ lên Tsushima. Cuộc đổ bộ chính được thực hiện tại bãi biển Komoda gần Sasuura, nơi nằm trên mũi phía tây bắc của hòn đảo phía nam. Các cuộc đổ bộ bổ sung diễn ra ở eo biển giữa hai đảo Tsushima, cũng như tại hai điểm trên đảo phía bắc.[10] Các mô tả về sự kiện này được kể lại dựa trên các nguồn tư liệu đương thời của Nhật Bản, đặc biệt là Sō Shi Kafu của gia tộc Sō ở Tsushima.Tại Sasuura, sau khi phát hiện hạm đội xâm lược ngoài khơi, phó thống đốc (jitodai) kiêm lãnh chúa của Tsushima - Sō Sukekuni (1207–1274), do đã được Mạc phủ cảnh báo từ trước, đã dẫn đội kỵ binh của mình đối đầu với đại quân Nguyên. Tương truyền vào ngày hôm đó, tại ngôi đền thờ chiến thần Hachiman đã xuất hiện một đàn bồ câu trắng tượng trưng cho vị thần. Sau khi đàn chim bay đi thì ngôi đền đột nhiên bốc cháy, đó có thể là một điềm báo của sự xui xẻo, nhưng Sukekuni đã giải thích đó là một sự cảnh báo.[10]

Với 80 samurai trung thành cùng tùy tùng của họ, Sukekuni đã đối đầu với một lực lượng xâm lược mà Sō Shi Kafu mô tả là 8.000 chiến binh trên 900 con tàu.[11] Quân Mông Cổ đổ bộ lúc 02:00 sáng ngày 5 tháng 11, phớt lờ các nỗ lực đàm phán của Nhật Bản và khai chiến bằng lực lượng cung thủ của họ. Cuộc chiến chính thức bắt đầu lúc 04:00.[11] Các cung thủ Nhật Bản đã tiêu diệt nhiều quân Mông Cổ, và một samurai tên Sukesada được cho là đã hạ gục 25 binh sĩ đối phương trong các trận giao tranh riêng lẻ.[12] Lực lượng phòng thủ của quân Nhật đã cầm chân quân Mông Cổ trên bãi biển cho đến khi màn đêm buông xuống, những kẻ xâm lược đánh bại mũi tấn công cuối cùng của kỵ binh Nhật Bản, áp đảo và giết chết tất cả quân phòng thủ.[11][12]

Sau chiến thắng tại Komoda, quân Nguyên đã đốt phá hầu hết các tòa nhà xung quanh Sasuura và tàn sát hầu hết cư dân. Họ mất tới vài ngày để đảm bảo quyền kiểm soát hoàn toàn đảo Tsushima.[11]

Cuộc xâm lược đảo Iki

Tại đảo Iki, lãnh chúa Tairano Takakage dẫn quân của mình đối đầu với đại quân Nguyên trong khi ông chỉ có khoảng 100 kỵ binh và khoảng hơn 1000 bộ binh. Sau khi bị đánh bại, lãnh chúa Takakage rút về lâu đài Hidzume và sau khi thành bị hạ thì cuối cùng ông đã phải tự sát, gần như toàn bộ quân Nhật đều bị tàn sát.

Cuộc chiến ở Vịnh Hakata

Vào ngày 19 tháng 11, quân Nguyên đổ bộ tại Vịnh Hakata, cách Dazaifu, thủ đô hành chính cổ của Kyūshū một khoảng cách ngắn. Ngày hôm sau đã diễn ra Trận chiến Bun'ei (Mitch 永), còn được gọi là "Trận chiến Vịnh Hakata lần thứ nhất"- trận đánh quy mô lớn đầu tiên giữa hai bên, phía Nhật Bản có khoảng 120 samurai và khoảng 3000 bộ binh. Phía quân Nguyên, mặc dù tổng lực của họ nhiều hơn, nhưng số quân tham chiến tại Hakata thì không đến mức quá áp đảo so với Nhật Bản, lực lượng của họ cũng chỉ vào khoảng 3000 - 4000 quân. Tuy nhiên, quân Nguyên có lợi thế hơn nhiều bởi do quân lính Nguyên đều đã trải qua rất nhiều trận chiến khác nhau. Trong khi đó, quân Nhật thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý một lực lượng lớn như vậy (tất cả vùng Bắc Kyūshū đã được huy động). Đã gần 50 năm kể từ sự kiện chiến đấu lớn cuối cùng ở Nhật Bản, và không một vị tướng Nhật Bản nào có kinh nghiệm đầy đủ trong việc thống lĩnh một đội quân lớn. Dù cho quân số không thực sự chênh lệch thì quân Nguyên vẫn áp đảo được quân Nhật với vũ khí mạnh mẽ hơn (thứ nhất là kỵ binh quá mạnh, thứ hai là nghệ thuật bắn tên thiện nghệ của người Mông Cổ). Người Mông Cổ sở hữu các loại vũ khí tầm xa vượt trội (loại cung tên ngắn trứ danh của người Mông Cổ, với các mũi tên tẩm độc, mũi tên lửa, mũi tên thuốc nổ), và dễ dàng chiếm thế thượng phong trong trận chiến trên bộ. Ngoài ra, phong cách chiến tranh vốn là thông lệ trong thời phong kiến Nhật Bản đó là một-chọi-một (quy tắc võ sĩ đạo), ngay cả trong các trận đánh lớn. Tuy nhiên, người Mông Cổ không quen thuộc với phong cách chiến đấu như vậy, vì thế quân Nhật bị áp đảo. Tuy thế, quân Nhật vẫn cố gắng để cầm cự để chờ quân cứu viện tới nơi, trong khi quân Nguyên cũng chờ lực lượng còn lại với hơn 2 vạn quân đang dong buồm trên biển có thể cập bến Vịnh Hakata.

Nếu như các cánh quân nhà Nguyên có thể hợp nhất, thì quân Nhật sẽ dễ dàng bị áp đảo và tàn sát, Kyūshū sẽ nhanh chóng bị thất thủ. Tuy nhiên, vào đêm hôm đó, bão nổi lên ngoài khơi Vịnh Hakata, hạm đội quân Nguyên ngoài khơi đã yêu cầu lực lượng trên bộ rút về tàu, do lo sợ nếu bão to hơn, thời tiết gió mạnh và sóng lớn sẽ khiến cho hạm đội của họ bị mắc cạn, hai bên sẽ bị chia cắt hoàn toàn. Nhưng hóa ra đó lại là một hành động tự tay bóp chết quân mình, bão đêm đó to đến mức đánh đắm rất nhiều tàu chiến của quân Nguyên. Đến sáng hôm sau, hạm đội quân Nguyên tan tác hết cả, hơn 200 tàu chiến bị đánh đắm, số còn lại không hư hại nặng thì cũng hư hại nhẹ, và đội quân Mông Cổ bách chiến bách thắng trên bộ đang bị say sóng hết cả một lượt với nhau. Lực lượng quân Nguyên bị thiệt hại quá nửa, cuộc xâm lược này có nguy cơ thất bại. Tuy nhiên, quân Nguyên vẫn cố gắng thực hiện hai cuộc tấn công nữa vào Akasaka và Torikai-Gata. Tại Akasaka thì tướng Kikuchi Takefusa đã đánh úp quân Nguyên và khiến họ phải rút lui dù tổn thất không nhiều lắm. Nhưng đến trận Torikai-Gata thì quân Nguyên bị hai cánh quân Nhật do Takezaki Suenaga và Shiraishi Michiyasu tấn công, quân Nguyên thảm bại khi hơn 3000 quân bị giết.

Đại quân Mông Cổ ra khơi từ Tuyền Châu với 23 ngàn quân, sau hai cuộc chiến tại Akasaka và Torikai-Gata thì lực lượng chỉ còn lại khoảng 1/3 so với ban đầu. Nghĩ kiểu gì cũng không thể đánh tiếp, vì thế nên quân Nguyên buộc phải rút lui. Cuộc xâm lược lần thứ nhất kết thúc chỉ sau 1 tháng với phần thắng thuộc về Nhật Bản.